Rối loạn kinh nguyệt sau sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị hiệu quả
Sau khi sinh phụ nữ có thể không có kinh từ 6 tháng đến một năm. Hoặc kinh nguyệt rất thất thường, tháng ít, tháng nhiều, có lúc đến sớm, có khi đến muộn. Đây là những dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Vậy nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì? Cách điều trị vấn đề này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu điều này trong bài viết sau đây.
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì?
Rối loạn kinh nguyệt không phải hiện tượng xa lạ với nhiều chị em. Điều này có thể thể hiện ở việc kinh đến trễ, kinh đến sớm, số ngày hành kinh tăng hoặc giảm, lượng máu kinh nhiều hay ít. Hầu như chị em nào cũng từng bị rối loạn kinh nguyệt ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên rối loạn kinh nguyệt sau sinh thường rất rõ ràng và khác với thông thường. Nguyên nhân là do phụ nữ sau sinh đã trải qua một sự thay đổi rất lớn nên chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng rất nhiều.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Những thay đổi có thể xảy ra ở chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau sinh là:
Vòng kinh thay đổi
Bình thường chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ kéo dài trung bình từ 28 – 32 ngày. Nếu chu kỳ đến sớm hoặc trễ hơn 1-2 ngày thì có thể coi là bình thường. Nhưng ở phụ nữ sau sinh, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị lệch từ 3-7 ngày, thậm chí hơn thế.
Thời gian hành kinh thay đổi:
Bình thường trong một chu kỳ kinh, kinh nguyệt sẽ ra từ 3-5 ngày, nhưng ngày đầu máu kinh ra nhiều, sau đó ít dần. Còn khi rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt có thể ra ít hơn 3 ngày. Hoặc kinh nguyệt có thể kéo dài trên 7 ngày và còn được gọi là hiện tượng rong kinh.
Máu kinh thay đổi
Máu kinh có thể bị vón cục màu đen. Đây là một biểu hiện rõ ràng của hiện tượng rối loạn kinh nguyệt mà chị em có thể dễ dàng nhận biết.
Mất kinh quá lâu
Thông thường sau khi sinh, phụ nữ thường bị mất kinh từ 2-3 tháng. Nhưng cũng có trường hợp phụ nữ sau sinh bị mất kinh lâu hơn có khi 6 tháng đến một năm. Đây cũng có thể là một biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt sau sinh.
Đau bụng kinh dữ dội
Đau bụng kinh là triệu chứng không xa lạ với chị em phụ nữ. Cơn đau thường âm ỉ kéo dài cả ngày nhưng trong phạm vi chịu đựng được. Chỉ một số ít chị em phải sử dụng đến thuốc giảm đau. Còn khi bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh, chị em có thể bị đau bụng kinh dữ dội, đau vật vã không thể làm gì.
Đau đầu ngực
Do nội tiết tố thay đổi nên không chỉ chu kỳ kinh nguyệt bị ảnh hưởng mà phụ nữ sau sinh còn bị căng tức đầu ngực. Đây cũng là biểu hiện rối loạn kinh nguyệt do thay đổi nội tiết tố nói chung.
Cơ thể mệt mỏi
Rối loạn kinh nguyệt kéo theo cảm giác mệt mỏi, đau đầu.
Ngoài ra rối loạn sau sinh mổ cũng không ngoại lệ. Ngoài những thay đổi về nội tiết tố giống với phụ nữ sau sinh thì phụ nữ sinh mổ còn bị kiệt sức. Họ cần thời gian để hồi phục vết mổ tử cung lâu hơn. Do đó, phụ nữ sau sinh mổ có thể bị rối loạn kinh nguyệt với các biểu hiện như:
- Đau nhiều hơn
- Dịch đặc và có màu đông
- Máu kinh có thể có màu đen hoặc đỏ đậm
- Lượng kinh trong chu kỳ kinh đầu tiên ra nhiều do lượng niêm mạc tử cung cần được đào thải tăng lên.
- Theo thời gian các vấn đề về tuyến giáp hoặc nội mạc tử cung có thể khiến máu kinh ra nhiều hơn.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Thời gian có kinh lại sau khi sinh ở phụ nữ là rất khác nhau. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó bao gồm: thể trạng của phụ nữ trước khi mang thai, mất cân bằng nội tiết tố, chăm sóc cơ thể hay cho con bú. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là hiện tượng bình thường do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của việc sinh con.
Cụ thể những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh là:
Mất cân bằng hormone
Sau khi sinh, hormone nội tiết tố sẽ thay đổi trong vài tháng đầu. Vì vậy rối loạn kinh nguyệt là điều tất yếu. Nếu trước khi mang thai, chị em đã bị rối loạn kinh nguyệt thì tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn. Cơ thể và hệ nội tiết sẽ cần một thời gian để phục hồi. Trung bình khoảng thời gian này là 3-4 tháng.
Cho con bú
Nuôi con bằng sữa mẹ là nguyên nhân phổ biến khiến phụ nữ sau sinh bị mất kinh. Nguyên nhân là do hormone sản xuất sữa mẹ làm ức chế quá trình rụng trứng. Vì vậy sau khi sữa ít đi hoặc ngừng cho con bú thì kinh nguyệt mới quay trở lại.
Căng thẳng, stress
Kinh nguyệt rối loạn cũng xuất phát từ yếu tố tâm lý căng thẳng. Phụ nữ sau sinh thường bị mệt mỏi và thiếu ngủ dẫn đến căng thẳng stress. Thậm chí nhiều người còn bị trầm cảm sau sinh. Điều này tác động trực tiếp đến hệ trục nội tiết não bộ – tuyến yên – buồng trứng. Điều đó khiến hoạt động sản xuất hormone nội tiết của buồng trứng không diễn ra bình thường. Kinh nguyệt rối loạn là điều tất yếu xảy ra.
Thay đổi cân nặng
Sau khi sinh, chị em vẫn còn thừa cân khá nhiều so với thời kỳ trước khi mang thai. Một số chị ít chị em thì bị giảm cân do khi mang thai không tăng cân quá nhiều và sau sinh thì lại ăn uống kém hoặc thiếu ngủ. Thiếu cân hoặc thừa cân đều làm thay đổi nội tiết tố và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Do mắc bệnh phụ khoa
Nguyên nhân cuối cùng khiến chị em mắc bệnh phụ khoa sau sinh có thể do chị em đã mắc bệnh phụ khoa. Sau sinh, phụ nữ thường bị ra sản dịch là môi trường tốt cho các vi khuẩn phát triển. Lúc này sức đề kháng của chị em vẫn còn yếu nên rất dễ bị viêm nhiễm phụ khoa.
Những bệnh lý ở lộ tuyến cổ tử cung hay buồng trứng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh khi nào nguy hiểm?
Như đã chia sẻ rối loạn kinh nguyệt sau sinh là hiện tượng sinh lý tự nhiên. Tuy nhiên không phải lúc nào điều này cũng là bình thường. Nếu rối loạn kinh nguyệt sau sinh kèm theo các dấu hiệu dưới đây thì bạn nên đi khám:
- Rong kinh kéo dài trên 10 ngày
- Lượng máu kinh ra nhiều gồm cả những cục máu đông
- Màu sắc kinh nguyệt có màu sẫm bất thường
- Xuất huyết âm đạo bất thường giữa các chu kỳ kinh kèm theo khí hư khó chịu có thể là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa
- Vùng kín ngứa rát hoặc đau khi quan hệ tình dục
- Vô kinh trên 6 tháng đến 1 năm.
Nếu không chắc chắn chu kỳ kinh nguyệt của mình có bình thường hay không, bạn có thể đi kiểm tra để được tư vấn.
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có nguy hiểm không?
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh ở mức độ bình thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ sớm trở lại bình thường sau khi chị em cho con bú. Tuy nhiên có những người đến cả năm sau khi sinh mới có kinh nguyệt. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng tâm lý khiến chị em lo lắng về chu kỳ kinh nguyệt của mình.
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh chỉ nguy hiểm nếu nó kèm theo các biểu hiện bất thường khác. Ví dụ rong huyết, khí hư mùi hôi, vùng kín ngứa ngáy. Khi đó, rất có thể chị em đã mắc bệnh phụ khoa. Lúc này, chị em mới cần lo lắng và đi thăm khám.
Phải làm gì khi bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh?
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là điều tất yếu vì đó là hiện tượng sinh lý tự nhiên của của cơ thể. Tuy nhiên để ngăn ngừa những ảnh hưởng điều này gây ra và sớm ổn định lại chu kỳ kinh nguyệt, bạn có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:
Chế độ ăn uống lành mạnh
Việc đầu tiên mà chị em cần thực hiện để cân bằng lại chu kỳ kinh nguyệt sau sinh là có chế độ ăn uống lành mạnh. Đây cũng là điều rất quan trọng để phục hồi cơ thể và có sữa cho con. Với những chị em quá gầy hoặc quá thừa cân thì bạn nên nhờ các chuyên gia tư vấn chế độ dinh dưỡng thích hợp.
Chị em cần ăn uống đủ chất để phục hồi sức khỏe nhanh nhất. Không nên ăn kiêng nhưng cũng không nên ăn uống vô độ khiến cân nặng tăng nhanh. Việc tăng giảm cân đột ngột sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chu kỳ kinh nguyệt.
Tập thể dục
Nếu sinh thường thì sau khoảng 3-4 tuần là bạn có thể tập thể dục. Còn sinh mổ thì sau khoảng 6 tuần, bạn có thể tập thể dục nhẹ nhàng được. Tập thể dục giai đoạn đem lại rất nhiều lợi ích. Ngoài việc giảm cân giúp cơ thể săn chắc thì nó còn giúp thư giãn tinh thần, tránh nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.
Đến trung tâm để tập thể dục với một em bé cần mẹ ngoại trừ lúc ngủ là điều bất khả thi. Nhưng bạn có thể tranh thủ tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga hoặc đi bộ 15-20 phút mỗi ngày. Trong lúc đưa con đi dạo, bạn cũng có thể tranh thủ tập thể dục được.
Cân bằng tâm lý
Phụ nữ sau sinh dễ bị trầm cảm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn mà còn tác động tiêu cực đến con. Vì vậy bạn càng hạn chế tối đa những vấn đề gây ảnh hưởng đến tâm lý càng tốt. Hãy nhờ người thân cùng chăm sóc con và chia sẻ việc nhà nếu bạn thấy quá sức. Đừng ôm đồm và chịu đựng một mình.
Khám phụ khoa khi cần thiết
Nếu bị vô kinh trong thời gian dài hoặc có nhiều dấu hiệu kinh nguyệt bất thường, bạn có thể đi thăm khám phụ khoa. Bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định nguyên nhân và giải đáp những thắc mắc lo lắng của bạn về vấn đề kinh nguyệt sau sinh.
Một số lưu ý
Phụ nữ sau sinh được khuyên không nên sử dụng thuốc tránh thai. Vì thuốc có thể gây rối loạn kinh nguyệt hoặc ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Bổ sung estrogen trực tiếp cũng là biện pháp để cân bằng chu kỳ kinh nguyệt sau sinh. Tuy nhiên bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về trước khi bổ sung bất kỳ một loại thuốc hay sản phẩm nào trong thời kỳ này.
Trên đây là những dấu hiệu và nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Đa phần chúng là hiện tượng sinh lý bình thường, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên vẫn có một phần nhỏ rối loạn kinh nguyệt sau sinh là do bệnh lý gây ra. Vì vậy chị em không nên chủ quan, cần theo dõi để kịp thời có phương pháp xử lý.