Phẫu thuật u nang buồng trứng: Những điều bạn cần biết từ A – Z
U nang buồng trứng là những khối u lành tính, xuất hiện trên buồng trứng của chị em phụ nữ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật u nang buồng trứng để tránh biến chứng xấu xảy ra cho sức khỏe của bạn. Vậy phẫu thuật u nang buồng trứng gồm những hình thức phẫu thuật nào? mổ u nang buồng trứng có nguy hiểm không? Mổ u nang buồng trứng bao lâu thì lành? Đây là những thắc mắc mà bài viết sau sẽ tập trung làm rõ!
Sơ lược về phẫu thuật u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là khối u lành tính. Thông thường với những u nhỏ, bạn có thể điều trị bằng thuốc, thậm chí u tự teo đi mà không cần điều trị. Tuy nhiên với những khối u có kích thước lớn, đường kính hơn 80mm thì cần xử lý bằng cách phẫu thuật ngay. Điều này để đảm bảo khối u không chèn ép lên các cơ quan xung quanh, đồng thời ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định mổ u nang buồng trứng trong các trường hợp sau:
- U nang có kích thước lớn, chèn ép các nội quan, gây ra nguy cơ biến chứng cao.
- Sau 2 – 3 tháng theo dõi, quan sát thấy khối u phát triển nhanh hơn bình thường.
- Người bệnh bị khối u làm băng huyết, dùng thuốc (điều trị nội khoa) không có tác dụng.
- Kích thước u nang phát triển nhanh dù người bệnh đã qua thời kỳ mãn kinh.
- Nghi ngờ u nang ác tính (ung thư).
Hiện nay tại các cơ sở y tế, phổ biến nhất là hai phương pháp phẫu thuật u nang buồng trứng sau:
Mổ nội soi u nang buồng trứng
Phương pháp này được thực hiện bằng cách rạch một vết nhỏ trên thành bụng, vết này dài từ 0,3 đến 1 cm. Sau đó, bác sĩ đưa dụng cụ nội soi chuyên dụng vào bên trong để xác định vị trí những khối u nang buồng trứng. Việc bóc tách khối u chỉ được tiến hành khi vị trí vùng cần mổ đã được xác định chính xác.
Đây là phương pháp có hiệu quả cao trong việc bóc tách những khối u có kích thước nhỏ.
Mổ mở u nang buồng trứng
Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiến hành gây mê cho bệnh nhân. Sau đó bác sĩ rạch một đường lớn tại vị trí ổ bụng của bệnh nhân để trực tiếp xử lý khối u.
Phương pháp này thường được áp dụng với những u nang có kích thước lớn. Nó cũng được dùng để bác sĩ lấy mẫu sinh thiết khối u, nhằm xác định xem đó là u lành tính hay u ác tính. Nếu đó là u ác tính, những phương pháp điều trị chuyên sâu khác sẽ được đưa ra.
So với mổ nội soi u nang buồng trứng, phương pháp này có nhiều hạn chế và nguy cơ rủi ro sau khi phẫu thuật cũng cao hơn.
Mổ u nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Mổ u nang buồng trứng có thể coi là nguy hiểm nếu nó được thực hiện tại cơ sở y tế không uy tín, bác sĩ tay nghề không cao. Dưới đây là những vấn đề có thể phát sinh trong và sau khi mổ u nang buồng trứng:
Chảy máu trong và sau khi phẫu thuật
Chảy máu trong và sau khi phẫu thuật là biến chứng thường thấy khi phẫu thuật nói chung. Tỷ lệ xảy ra biến chứng chảy máu là khoảng 1% tại các cơ sở y tế. Biến chứng chảy máu trong và sau khi phẫu thuật có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Cụ thể là:
- Bệnh nhân mắc rối loạn đông máu.
- Trước đó, hoặc trong quá trình làm phẫu thuật, mạch máu của bệnh nhân bị tổn thương.
- Người bệnh cử động khiến cục máu đông bong ra, gây chảy máu.
- Các yếu tố khách quan khác.
Nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng, các bác sĩ cần truyền máu, hoặc thực hiện mổ lại lần 2 cho bệnh nhân để cầm máu nếu cần. Nếu tình trạng chảy máu xảy ra do mổ nội soi, thì ở lần mổ thứ hai bác sĩ sẽ chuyển sang phương pháp mổ hở. Điều này giúp bác sĩ cầm máu và kiểm soát tình hình tốt hơn.
Tổn thương các nội quan xung quanh trong quá trình mổ
Trong quá trình đưa dụng cụ vào ổ bụng và thao tác xử lý u nang, nếu không cẩn thận, dao mổ cố thể làm tổn thương các cơ quan. Những cơ quan xung quanh dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất là ruột non, bàng quang, niệu quản…
Biến chứng này rất nguy hiểm. Nếu đâm thủng ruột khiến dịch ruột non tràn vào ổ bụng, bệnh nhân có nguy cơ bị viêm phúc mạc, mất máu cấp. Thậm chí bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tử vong.
Chấn thương mạch máu
Các mạch máu cũng có thể bị dao kéo phẫu thuật đụng chạm làm thương tổn. Khi thực hiện mổ nội soi u nang, nhiều trường hợp phải đến khi bệnh nhân bị sốc, bác sĩ mới phát hiện ra. Còn khi thực hiện mổ mở, bác sĩ sẽ nhận ra biến chứng này ngay.
Bên cạnh đó, quá trình phẫu thuật có thể làm không khí trôi vào mạch máu, khiến tuần hoàn máu bị cản trở. Đây là biến chứng thuyên tắc khí. Nếu thuyên tắc khí xuất hiện ở động mạch, tình trạng sẽ cực kỳ nguy hiểm. Lúc này, bong bóng khí có thể làm cho máu không thể đến những cơ quan cần thiết cung cấp oxi và dưỡng chất được.
Nhiễm trùng vết mổ
Một trong những biến chứng xuất hiện sau khi mổ u nang phổ biến nhất là biến chứng nhiễm trùng vết mổ. Ngay cả khi quá trình phẫu thuật được thực hiện sạch sẽ, vô trùng, khả năng nhiễm trùng vẫn tồn tại ở tỷ lệ nhỏ (dưới 5%). Mổ mở u nang có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn phẫu thuật nội soi. Nguyên nhân của hiện tượng nhiễm trùng này là do bệnh nhân không chăm sóc vết mổ chu đáo, đúng cách. Triệu chứng nhiễm trùng vết mổ là:
- Vết mổ lan rộng, sưng nóng, tấy đỏ, đau đớn, cơn đau tăng dần theo thời gian.
- Vết mổ sùi bọt, chảy dịch, bốc mùi hôi tanh.
- Chảy máu ở vết mổ.
- Có trường hợp nổi hạch lạ tại nách, bẹn hoặc gần vị trí vết mổ.
- Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ bị sốt, buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, tim đập nhanh…
Để xử lý tình trạng này, bác sĩ sẽ cho bạn điều trị bằng thuốc kháng sinh, hoặc thực hiện phẫu thuật lần thứ hai để khắc phục biến chứng.
Bục vết khâu
Vết khâu có thể bục ra do vết mổ bị nhiễm trùng hoặc do bệnh nhận vận động mạnh. Những trường hợp diện tích tổn thương lớn, vết mổ hở lớn càng có nguy cơ bị bục cao hơn nếu bệnh nhân không chú ý. Khi gặp biến chứng này, bạn cần đến cơ sở y tế ngay để kiểm soát tình hình, kịp thời xử lý.
Tái phát u nang buồng trứng
Bác sĩ có thể không bóc tách triệt để được hết những u nang trong buồng trứng, hoặc bỏ sót những khối u kích thước bé khi phẫu thuật. Lúc này người bệnh có khả năng tái phát bệnh trở lại trong tương lai. Khả năng tái phát u nang sau khi phẫu thuật vào khoảng 25%.
Mổ u nang buồng trứng bao lâu thì lành?
Tùy phương pháp mổ u nang được lựa chọn mà thời gian phục hồi sau khi mổ của bạn khác nhau:
Thời gian hồi phục sau khi mổ nội soi u nang buồng trứng
Mổ nội soi u nang buồng trứng là phương pháp ít xâm lấn. Do đó, phương pháp này có độ an toàn cao và hạn chế mất máu cho bệnh nhân một cách tối đa.
Trên thực tế, thời gian thực hiện một ca mổ nội soi u nang buồng trứng chỉ vào khoảng 30 phút. Sau khi nghỉ ngơi ở bệnh viện 1 – 2 ngày, bạn có thể ra về ngay, đây là lúc sức khỏe của bạn đã được hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra bạn cũng không cần lo lắng vết mổ sẽ để lại sẹo, bời đây là phương pháp đảm bảo tính thẩm mỹ cao cho vết mổ.
Thời gian hồi phục sau khi mổ mở u nang buồng trứng
Kỹ thuật mổ mở u nang cho thời gian hồi phục chậm hơn so với kỹ thuật mổ nội soi. Cụ thể, phải sau từ 6 – 8 tuần người bệnh mới có thể phục hồi sức khỏe. Bên cạnh đó, người bệnh cũng phải nằm viện lâu hơn để được các bác sĩ theo dõi diễn biến sức khỏe. Ngoài ra, thời gian phục hồi cụ thể của từng trường hợp còn phụ thuộc cơ địa từng người.
Những thắc mắc sau phẫu thuật u nang buồng trứng
Sau đây là những thắc mắc thường gặp sau khi chị em thực hiện phẫu thuật u nang buồng trứng!
Sau phẫu thuật u nang buồng trứng, chờ bao lâu mới có kinh?
Sau khi mổ u nang buồng trứng, chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại bình thường. tuy nhiên trong một số trường hợp, sau khi mổ u nang chị em chưa có kinh ngay. Điều này là do trước đó một thời gian dài, u nang đã tạo áp lực, đè nén và làm rối loạn hoạt động của buồng trứng. Do đó buồng trứng chưa kịp hoạt động bình thường trở lại, khiến bạn chưa thể có kinh ngay.
Sau 2 – 3 chu kỳ kinh, bạn vẫn chưa thấy hành kinh xuất hiện thì cần chủ động thăm khám ngay để kịp thời xử lý.
Sau phẫu thuật u nang buồng trứng, bao lâu sau mới có thai?
Buồng trứng sau khi mổ u nang cần thời gian để phục hồi mới có thể hoạt động bình thường trở lại. Do đó sau khi mổ từ nửa năm tới một năm, bạn mới nên có thai. Trước đó, buồng trứng bị tổn thương nên nếu mang thai trong vòng 6 tháng sau khi mổ, thai phụ sẽ không an toàn.
Sau phẫu thuật u nang buồng trứng nên ăn gì?
Bạn cần chú trọng chế độ ăn uống, dinh dưỡng sau phẫu thuật u nang buồng trứng. Theo đó, những món ăn bạn nên sử dụng nhiều là:
Rau xanh: Gồm những loại rau giàu vitamin K, C, khoáng chất và chất xơ… Có thể kể đến như rau muống, rau ngót, rau cải xanh…
Các món ăn giàu sắt: Quá trình phẫu thuật u nang khiến bạn mất máu, do đó bạn cần bổ sung sắt trong bữa ăn để cơ thể tái tạo máu. Sắt có trong các món như: thịt bò, thịt cừu, cá…
Món ăn giàu omega 3: Có nhiều trong bơ thực vật, dầu mè, cá hồi…
Ngoài ra, bạn nên sử dụng những món ăn dễ tiêu hóa, uống nước ép trái cây, uống nhiều nước… Bạn cũng nên kiêng đồ nếp để tránh mưng mủ vết thương, kiêng thịt gà, hải sản… để tránh kích ứng làm ngứa ngáy vết mổ.
Qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về những vấn đề xung quanh quá trình phẫu thuật u nang buồng trứng. Để tránh biến chứng do phẫu thuật gây ra, bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế chuyên khoa an toàn, đáng tin cậy!