Đau bụng dưới là bệnh gì: Chuyên gia tư vấn cách điều trị
Đau bụng dưới là hiện tượng xảy ra thường xuyên ở nữ giới, liên hệ đến rất nhiều vấn đề khác nhau. Vậy cụ thể đau bụng dưới là bệnh gì? Đau bụng dưới bên phải là bệnh gì? Đau bụng dưới bên trái là bệnh gì? Hoặc đau bụng dưới rốn là bệnh gì?… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc đó!
Đau bụng dưới là bệnh gì?
Bụng dưới là phần quan trọng của cơ thể nữ giới. Đây là nơi chứa các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu và đặc biệt là hệ sinh dục.
Đau bụng dưới là cơn đau xảy ra ở vùng bụng dưới. Đó có thể là đau bụng dưới rối, đau bụng dưới bên trái hoặc đau bụng dưới bên phải. Đau quặn bụng dưới, đau bụng dưới âm ỉ hay đau buốt bụng dưới đều là những triệu chứng của bệnh.
Có nhiều bệnh lý khác nhau gây ra tình trạng đau bụng dưới ở nữ giới. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu từng nguyên nhân cụ thể khiến nữ giới đau bụng dưới!
Đau bụng dưới bên trái là bệnh gì?
Đau bụng dưới bên trái ở nữ là bệnh gì là thắc mắc của rất nhiều chị em. Họ thường gặp các triệu chứng như đau nhói bụng dưới bên trái, đau tức bụng dưới bên trái… Theo các chuyên gia, đau bên trái bụng dưới liên hệ đến những căn bệnh sau:
Bệnh lý đường tiêu hóa
Một số bệnh lý đường tiêu hóa điển hình là:
Viêm đại tràng
Cơn đau do bệnh viêm đại tràng gây ra thường xuất hiện ở bụng dưới bên trái. Khi mắc viêm đại tràng, người bệnh cảm thấy đau âm ỉ, có khi lại quặn thắt khó chịu. Bệnh xảy ra khi tổn thương xuất hiện ở niêm mạc đại tràng, gây viêm loét ở nhiều mức độ khác nhau.
Các triệu chứng khác của bệnh như:
- Luôn có cảm giác muốn đi ngoài. Khi đi ngoài, phân nát và lỏng, phân sống, có nhày bọt.
- Bụng chướng, đầy bụng, ăn uống kém tiêu.
Bệnh viêm túi thừa
Đây cũng là một trong những bệnh khiến nữ giới đau bụng dưới bên trái. Bệnh do các tác nhân có hại phát triển trong túi thừa gây ra. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ biểu hiện các triệu chứng như: buồn nôn, sốt, tiêu chảy, táo bón, bụng chướng, chảy máu trực tràng…
Ngoài hai căn bệnh trên, những bệnh lý tiêu hóa khác có thể bắt gặp là táo bón, tắc ruột, viêm ruột…
Bệnh lý đường tiết niệu
Một số bệnh lý đường tiết niệu khiến nữ giới đau bụng dưới bên trái như: viêm bàng quang, sỏi tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu… Đây đều là những bệnh có thể chữa được, nhưng cần chữa trị sớm để tránh biến chứng xảy ra cho cơ thể.
Đau bụng dưới bên phải là bệnh gì?
Đau bụng dưới bên phải âm ỉ hoặc dữ dội có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh như:
Viêm đại tràng
Nếu đau đại tràng ở vị trí gần manh tràng thì có thể gây ra cơn đau bụng dưới bên phải. Những triệu chứng khác người bệnh gặp phải là: đại tiện rối loạn, luôn muốn đi ngoài, phân lẫn máu hoặc chất nhày…
Viêm ruột thừa
Ruột thừa có thể bị viêm do nhiều nguyên nhân. Khi đó người bệnh thường lên cơn sốt, đau bụng dưới bên phải dữ dội, tiêu chảy hoặc táo bón, nôn mửa… Người bệnh nên đến cơ sở y tế ngay để kịp thời xử lý. Nếu không, tính mạng người bệnh có thể nguy hiểm.
Viêm bàng quang kẽ (IC)
Bệnh này khiến người bệnh luôn muốn tiểu tiện, nhưng khi tiểu thì tiểu đau buốt. Đau bụng dưới bên phải xảy ra, đặc biệt khi quan hệ tình dục. Những phụ nữ từ 30 – 40 tuổi là những người hay mắc bệnh nhất.
Đau bụng dưới rốn là bệnh gì?
Những bệnh lý dẫn đến hiện tượng đau bụng dưới rốn gồm:
Rối loạn tiêu hóa
Người bị rối loạn tiêu hóa thường cảm thấy đau âm ỉ vùng bụng dưới rốn. Cơn đau xuất hiện theo từng cơn. Ngoài ra người bệnh còn cảm thấy chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu…
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích còn gọi là viêm đại tràng co thắt. Bệnh xuất hiện do hoạt động của đường ruột bị rối loạn. Lúc này người bệnh gặp phải các triệu chứng như rối loạn đại tiên, tiêu chảy hoặc táo bón, chướng bụng…
Sỏi thận
Sỏi thận xuất hiện tại thận, do các chất cặn trong nước tiểu tạo ra. Các viên sỏi này là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau bụng dưới. Khi đi tiểu, bệnh nhân sỏi thận thường thấy nước tiểu chuyển màu hồng do có chứa hồng cầu. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của thận.
Đau bụng dưới ở nữ giới
Ngoài những bệnh lý kể trên, đau bụng dưới ở nữ giới có liên hệ đến hàng loạt bệnh lý thuộc hệ sinh dục khác. Những cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất là buồng trứng, vòi trứng, tử cung… Những căn bệnh phụ khoa điển hình gây đau bụng dưới ở nữ giới gồm:
Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm nhiễm tại các cơ quan vùng khung chậu ở nữ giới. Nó gồm viêm buồng trứng, viêm vòi trứng, viêm tử cung… Những triệu chứng viêm vùng chậu có thể kể đến như: tiết khí hư bất thường, đau khi quan hệ tình dục và tiểu tiện, rối loạn kinh nguyệt…
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Hai căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất khiến nữ giới đau bụng dưới là bệnh lậu và Chlamydia. Các triệu chứng của bệnh như:
Vùng kín sưng nóng, đau rát, ngứa ngáy.
- Dịch tiết âm đạo bất thường, chuyển màu và có mùi hôi.
- Đau khi tiểu tiện và quan hệ tình dục.
Các căn bệnh này rất dễ lây lan ra cộng đồng. Do đó bạn hãy chữa trị bệnh dứt điểm và quan hệ chung thủy một vợ một chồng.
Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung gây ra những cơn đau nghiêm trọng, dữ dội ở vùng bụng dưới của phụ nữ. Bạn cần đi kiểm tra và thăm khám, vì vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn.
U nang buồng trứng
Ở người bình thường, trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt lại có 1 nang trứng trưởng thành và trứng được giải phóng. Tuy nhiên ở người bị u nang buồng trứng, nang trứng không thể phát triển và chín được. Lúc này trong nang luôn chứa chất có dạng bã đậu hoặc dịch lỏng và phát triển bất thường. Khi mắc u nang buồng trứng, người bệnh thường thấy đau bụng dưới, tức bụng, đau thắt lưng, buồn tiểu liên tục, buồn nôn và nôn. Chu kỳ kinh nguyệt cũng trở nên bất thường.
U xơ tử cung
U xơ tử cung là những khối u lành tính xuất hiện trong tử cung của nữ giới. Bệnh phổ biến nhất ở những phụ nữ thuộc độ tuổi từ 30 đến 40. Những triệu chứng của bệnh gồm: đau bụng dưới, đặc biệt là đau tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt, rong huyết, rong kinh… U xơ tử cung thậm chí có thể sờ thấy được. Tuy là u lành, nhưng bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là những khối u ác tính xuất hiện tại buồng trứng. Chúng có thể nhanh chóng di căn và lây lan. Bệnh nhân ung thư buồng trứng thường cảm thấy đau bụng dưới dữ dội. Bệnh cần được sớm phát hiện và điều trị. Nếu để nặng, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ buồng trứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung xuất hiện khi các mô và tế bào nội mạc phát triển quá mạnh, xâm lấn ra ngoài tử cung. Lúc này, các mô nội mạc ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác thuộc hệ sinh dục. Người bị lạc nội mạc tử cung thường xuất hiện các cơn đau bụng dưới dữ dội khi hành kinh. Chu kỳ kinh nguyệt của bạn bị rối loạn và máu kinh chảy ra thất thường.
Sau khi quan hệ bị đau bụng dưới
Đau bụng dưới sau khi quan hệ vài ngày hoặc đau bụng dưới ngay sau khi quan hệ có thể là do bạn mắc phải các bệnh lý kể trên. Ngoài ra, những nguyên nhân khác gây đau bụng dưới sau khi quan hệ như:
Quan hệ tình dục thô bạo, không đúng tư thế
Quan hệ tình dục không có màn dạo đầu, quan hệ thô bạo, không đúng tư thế sẽ khiến nhiều cơ quan phải chịu áp lực lớn và đột ngột. Ví dụ như thành tử cung, cơ bụng, bàng quang, trực tràng… Cơn đau này không xuất hiện trong khi quan hệ tình dục. Nhưng sau khi quan hệ, bạn sẽ cảm thấy rõ ràng hơn các cơn đau. Chúng thường là cơn đau âm ỉ, đau nhói hoặc kéo dài ở bụng dưới.
Thời gian quan hệ tình dục quá lâu
Thời gian quan hệ tình dục lâu cũng là nguyên nhân khiến vùng bụng của chị em phụ nữ căng cứng. Sau khi quan hệ, điều này dẫn đến những cơn đau bụng dưới ở phụ nữ. Ngoài ra, quan hệ tình dục quá lâu dễ dẫn tới tắc nghẽn vùng xương chậu. Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy đau bụng dưới sau khi quan hệ tình dục.
Quan hệ trong thời kỳ mang thai
Nếu quan hệ tình dục ở 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, phụ nữ có thể cảm thấy đau bụng dưới. Cơn đau này là do các cơn co thắt tử cung gây ra. Đây là lý do các chuyên gia khuyên bạn nên kiêng quan hệ tình dục ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Ngoài ra trong 3 tháng cuối thai kỳ, quan hệ không đúng tư thế và không cẩn thận khiến bạn có nguy cơ sinh non.
Đau bụng dưới khi mang thai
Trong suốt 9 tháng thai kỳ, bụng của thai phụ sẽ trải qua nhiều thay đổi. Tử cung to dần khiến áp lực ở vùng bụng lớn dần theo thời gian. Đây thường là dấu hiệu bình thường của cơ thể. Tuy nhiên cũng có khi cơn đau bụng dưới là dấu hiệu bệnh lý. Đặc biệt, khi thai phụ gặp phải các triệu chứng như đau bụng dữ dội kéo dài, mệt mỏi, chóng mặt… Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, đây là dấu hiệu sảy thai, tiền sản giật, viêm ruột thừa… Trong 4 tháng đầu, đau bụng kèm theo xuất huyết âm đạo, đau buốt lưng, chóng mặt là dấu hiệu cảnh báo thai nhi có vấn đề. Ví dụ như bong nhau thai non…
Do đó khi gặp các triệu chứng bất thường, thai phụ không được chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Điều này đảm bảo thai nhi được an toàn, không gặp vấn đề gì nguy hiểm.
Trên đây là tổng quan những nguyên nhân gây ra hiện tượng đau bụng dưới ở nữ giới. Dù là cơn đau xảy ra ở vị trí nào, triệu chứng đi kèm ra sao, bạn cũng không được tự ý chữa mà cần lắng nghe lời khuyên, chỉ định của bác sĩ.